Thanh Hóa hỗ trợ sản xuất mía nguyên liệu
Mía đường là một trong những cây trồng chủ lực ở các huyện trung du, miền núi tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ từ tỉnh, nhưng chưa có chiều sâu nên các Cty mía đường vẫn SX còn manh mún, nhỏ lẻ.Nhiều địa phương, doanh nghiệp tùy tiện mở rộng diện tích mía không theo quy hoạch làm ảnh hưởng đến quy hoạch tổng thể phát triển toàn ngành.
Đặc biệt, việc thu mua mía cho nông dân thường hợp đồng qua trung gian nên tính công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người trồng không được đảm bảo, thậm chí một số chủ hợp đồng còn ăn chặn tiền bán mía của dân khiến cho nguồn vốn tái đầu tư của bà con gặp nhiều khó khăn.
Ông Trịnh Huy Khuê, xã Thọ Bình, huyện Triệu Sơn làm giàu nhờ cây mía
Tại hội nghị tổng kết SX mía đường vụ 2012-2013, triển khai nhiệm vụ thu mua, chế biến niên vụ 2013-2014 và định hướng SX vụ mía 2014-2015 vừa tổ chức, hầu hết đại biểu ở các địa phương có diện tích trồng mía lớn như Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Nông Cống, Thạch Thành… đều khẳng định, cây mía đã góp phần đắc lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, để cây trồng chủ lực này tiếp tục phát triển về cả diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả, một số huyện đề nghị các Cty SX mía đường trên địa bàn cần lên kế hoạch, cân đối giá thu mua và thông báo trước cho người dân biết để họ mạnh dạn đầu tư; đồng thời đến vụ thu hoạch phải thu mua công khai, nhanh gọn, tránh để kéo dài thời vụ khiến lượng đường trong mía giảm, thiệt thòi cho bà con.
Đáp ứng nguyện vọng của người trồng mía, đại diện Cty CP Mía đường Lam Sơn; Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan và Cty CP Mía đường Nông Cống cho hay, đã có chính sách hỗ trợ để nông dân đầu tư SX theo chiều sâu như: Hỗ trợ mở rộng vùng SX tập trung quy mô từ 5 ha trở lên là 3 triệu đồng/ha; khai hoang 2 triệu đồng/ha; hỗ trợ kinh phí cho Ban chỉ đạo các huyện, HTX, các Cty và nông, lâm trường 500 - 5.000 đồng/tấn mía sạch;
Khen thưởng 2 chỉ vàng cho những hộ đạt năng suất lớn hơn hoặc bằng 100 tấn/ha, chữ lượng 100 CCS trở lên và sản lượng mía bán trên 100 tấn. Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ phân bón; lãi suất tiền vay mua máy cày công suất lớn trong 5 năm; đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi…
Được biết, diện tích vụ mía nguyên liệu năm 2013-2014 toàn tỉnh đạt 34.778 ha. Trong đó, vùng Lam Sơn hơn 17.300 ha; vùng Việt - Đài gần 11.000 ha và vùng Nông Cống 6.450 ha. Năng suất bình quân ước 61,7 tấn/ha; sản lượng đạt hơn 2, 1 triệu tấn, tăng hơn 26.000 tấn so với cùng kỳ.
Vụ mía 2014-2015, Thanh Hóa phấn đấu đưa diện tích mía đứng đạt 30.533 ha; năng suất bình quân trên 71,8 tấn trở lên và sản lượng mía nguyên liệu đạt từ 2,2 triệu tấn.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các địa phương rà soát, thực hiện trồng mía theo quy hoạch; chuyển diện tích mía trồng trên đất dốc 150 trở lên sang trồng cây lâm nghiệp, cao su, sắn; tăng cường đầu tư, áp dụng đồng bộ các biện pháp, mở rộng diện tích mía thâm canh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng.
Nguồn: nongnghiep.vn