Tin mới
Đang tải...

Phân bón “Đầu Trâu” chinh phục thị trường Myanmar

“Tiềm năng thị trường phân bón Myanmar rất lớn, chúng tôi đã sớm nhận ra điều này ngay sau khi đất nước Myanmar mở cửa hội nhập với thế giới. Trong tương lai gần, Bình Điền sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân bón ngay tại Myanmar”- Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền chia sẻ.
Ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền
 
trao chứng nhận Tổng Đại lý Phân bón Đầu Trâu tại Myanma cho ông
 Aung Kyaw, Tổng Thư ký Hiệp hội Lúa gạo Myanmar.

Là một nước thuộc khối Asean, Myanmar hiện có dân số khoảng 60 triệu người và được xem là một thị trường có qui mô khá lớn, sản xuất trong nước hiện chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu dùng. Những năm gần đây, Myanmar thực hiện mạnh mẽ các đợt cải cách mở cửa nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Myanmar đã và đang có những chính sách thông thoáng, mở cửa nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo lực hút cho các dự án phát triển kinh tế trong nước (miễn thuế 8 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài). Những chính sách này đã và đang giúp cho đất nước Myanmar bắt đầu chuyển mình sang một giai đoạn mới…
Trước những chính sách mở cửa đầy hấp dẫn của Myanmar, là một nước bạn cùng khối Asean, Việt Nam đang rất kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước. Với mục tiêu tăng đầu tư trực tiếp vào Myanmar từ 500 triệu USD lên 2 tỉ USD và nâng kim ngạch thương mại 2 chiều từ 167 triệu USD từ năm 2011 lên 500 triệu USD vào năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty Phân bón Bình Điền nói riêng đã và đang hướng tới thị trường Myanmar với những dự án đầu tư thiết thực và hiệu quả. 
Với kinh nghiệm được đúc kết từ những thành công tại thị trường phân bón Campuchia và Lào, quan điểm mà lãnh đạo Công ty Bình Điền đặt ra với thị trường phân bón Myanmar là phải đến trước, phải là người đầu tiên cắm lá cờ phân bón Việt Nam tại đây, nhưng không quá vội vàng.

Người dân Myanmar múa trâu mừng sự có mặt của phân bón Đầu Trâu.
Bắt đầu bằng đoàn cán bộ với nhiều nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu, quản lý về đất, phân bón, như PGS.TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; PGS.TS Mai Thành Phụng - Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam; GS.TS Mai Văn Quyền, nguyên Viện phó Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn KHKT Cty Bình Điền… cùng đoàn xúc tiến thương mại TPHCM bay sang Yangon (tháng 6 năm 2012). Tại đây Bình Điền đã tổ chức được một cuộc hội thảo, giới thiệu các sản phẩm phân bón chất lượng cao của mình trước gần 100 cử tọa là cán bộ chuyên ngành nghiên cứu về đất, phân bón, các Cục, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar cùng 50 đại lý phân bón trên cả nước. Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Lê Công Phụng và Tham tán Thương mại Nguyễn Phước Anh đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động này của Bình Điền. Hai thành công lớn từ lần ra quân đầu tiên là Bình Điền đã lựa chọn được đối tác thương mại làm Tổng đại lý phân phối độc quyền phân bón Đầu Trâu, đó là ông Myo, Tổng Thư ký Hiệp hội lúa gạo Myanmar và xác định được trung tâm tổ chức sản xuất thực nghiệm làm đối chứng, đó là Viện nghiên cứu về đất, phân bón, khu sản xuất lúa công nghệ cao với tên gọi “Cánh đồng của Tổng thống”, của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi, cùng hàng chục điểm sản xuất đối chứng trên các vùng sinh thái điển hình của đất nước Myanmar.
Các nhà khoa học do Bình Điền tổ chức xắn quần lội ruộng, khảo sát kỹ lưỡng sinh thái các vùng đất, để rồi cùng với nhóm phát triển thị trường Myanmar của công ty quyết định đưa những sản phẩm phù hợp nhất sang Myanma. 20 tấn sản phẩm đã tới 3 khu vực sản xuất thực nghiệm, với hàng chục điểm trình diễn đối chứng trên lúa mùa, lúa lai và lúa cao sản, được giới khoa học và nhà nông nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, qua 3 vụ sản xuất, kết quả đạt được rất đáng phấn khởi. Năng suất lúa thu được cao hơn so với sản xuất truyền thống có nơi đến 300%, có nơi 150%... tính trung bình là 35%. Chi phí sản xuất không tăng nhiều so với cách sản xuất truyền thống vì giảm lượng bón sẽ giảm công vận chuyển, bón phân, lại góp phần bảo vệ môi trường. Nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi. Bà Daw Htwe, ở làng Ahlyinlo Village, ngoại ô Nay Pyi Taw sở hữu 10 ha trồng lúa, sau một vụ tham gia sản xuất thử nghiệm đối chứng với phân bón Đầu Trâu, đã tỏ ra sốt ruột, đề nghị Bình Điền đưa ngay phân bón Đầu Trâu sang.
Về thủ tục pháp lý, Bình Điền mời ông Myo sang Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo, thăm các nhà máy sản xuất của Bình Điền và nhiều cánh đồng mẫu lớn mà Bình Điền tham gia tại đồng bằng sông Cửu Long đang sản xuất rất hiệu quả. Tiếp đó là những chuyến viếng thăm, chào hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar, gặp gỡ các cơ quan chuyên ngành, các Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp, ký kết hợp đồng ghi nhớ với đối tác và đăng ký bản quyền lưu hành 7 sản phẩm phân bón Đầu Trâu trên lãnh thổ Myanmar, gồm: Đầu Trâu lúa 1, Đầu Trâu lúa 2, Đầu Trâu tăng trưởng, Đầu Trâu chắc hạt, Đầu Trâu 215, 16-16-8+9S+TE, Đạm hạt vàng 46A+, DAP 46P+.
Hiện tại giá phân bón Bình Điền ở Myanamar cao hơn chút ít do phí vận chuyển từ Việt Nam sang, thế nhưng giá bán sẽ hợp lý hơn trong tương lai gần, khi Bình Điền xây dựng được nhà máy sản xuất ngay tại Myanmar. “Chúng tôi đến với nông dân và nền nông nghiệp Myanmar với chiến lược lâu dài, chứ không kinh doanh theo kiểu chộp giựt, vì vậy phải xây cho được lòng tin tưởng tuyệt đối giữa công ty với các nhà phân phối, và nhất là với bà con nông dân nước bạn. Những việc đã làm của Bình Điền tại đây trong hơn một năm rưỡi qua là nằm trong chiến lược phát triển, cũng như quan điểm tình cảm nhất quán trước sau như một của Bình Điền với một đất nước có nền nông nghiệp rộng lớn và người dân hiền hậu, dễ gần này…” - ông Lê Quốc Phong chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Myo Aung Kyaw, Tổng Thư ký Hiệp hội Lúa gạo Myanmar cho biết: “Quyết tâm của Chính phủ trong thời gian tới phải đưa Myanmar trở lại tốp đầu những nước xuất khẩu gạo trên thế giới”. Cũng theo ông Aung Kyaw Myo, mỗi năm Myanmar cần cả chục triệu tấn phân bón, trong khi năng lực sản xuất trong nước rất yếu, chỉ đạt khoảng 400 ngàn tấn/năm và đây cũng chính là sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp phân bón VN.


Nguồn: SGGP

Liên hệ nhanh
Copyright © 2013 Su dung phan bon All Right Reserved